Đứng đầu bảng trong các loại cây có khả năng chống muỗi là cây sả, trong khi đó kỹ thuật trồng cây sả lại cực đơn giản bởi khả năng chịu nắng và chịu hạn tốt.
Theo các nghiên cứu tinh dầu sả có khả năng xua muỗi tốt hơn gấp nhiều lần so với các loại thuốc chống muỗi thông thường, không những vậy tinh dầu của loại cây này còn có mùi thơm rất dễ chịu. Ngoài ra, tinh dầu sả dùng trong công nghiệp nước hoa, chất thơm. Củ sả có tác dụng thông tiểu tiện, ra mồ hôi, chữa cảm sốt.
Nhân giống cây sả
Nếu trường hợp trong nhà đã có khóm sả có thể tách chiết lấy nhánh cây con bên ngoài bụi sả có đủ gốc và rễ, hoặc mua nhánh sả còn gốc tại các chợ. Chọn hom cứng, mập, tươi, không sâu bệnh, không bị dập nát. Cắt bỏ lá già, rễ già, cắt cách gốc bẹ cuối cùng khoảng 1cm, cắt ngọn sao cho chiều dài hom sả 20-30cm bạn sẽ có được những nhánh sả giống khỏe mạnh.
Đất trồng cây sả
Cây sả có bộ rễ chùm khỏe mạnh không kén đất, có khả năng chịu hạn rất tốt. Đất tốt nhất cho cây phát triển là đất cát pha, nhiều mùn, tơi xốp, thoát nước tốt ẩm độ cao, pH: 5-7. Với diện tích đất trồng tại thành phố, có thể dùng hỗn hợp gồm tro trấu, xơ dừa và phân trùn để trồng sả.
Nhiệt độ thích hợp trồng cây sả dao động từ 20-38oC, thích hợp nhất là từ 22-27oC. Nếu nhiệt độ trên 30oC kéo dài với ẩm độ thấp thì cây sả sẽ bị cháy lá. Do là cây ưa sáng nên cây sả cần đầy đủ ánh sáng. Số giờ nắng trung bình 6-7h/ngày. Nếu để cây sả trong bóng râm lâu ngày, cây có màu nhợt nhạt, thân mảnh, ốm và đặc biệt, trong cây sả không còn mùi đặc trưng.
Kỹ thuật trồng cây sả
Kỹ thuật trồng cây sả rất đơn giản bằng phương pháp cấy cây giống đã tìm mua hoặc tự nhân giống tại nhà. Đặt nhánh sả hơi nghiêng 15 -200 lấp đất, nén chặt gốc. Sau đó tưới nước vào gốc cho đủ ẩm. Gặp trời nắng thì tưới ngày 1 lần vào gốc giúp cây chóng bén rễ. Sau 10 -15 ngày sả đã bén rễ, đâm lá mới thì nên dùng nước tiểu và nước phân chuồng pha loãng tỷ lệ tưới. Cũng có thể dùng nước phân đạm pha loãng 3 – 5%.
Chăm sóc cây sả
Cách chăm sóc cây sả không quá cầu kỳ nhưng lá vẫn xanh, cây phát triển vẫn đều. Nếu muốn cây nhanh lớn hơn thì chỉ cần bón chút phân urê hay NPK 16.16.8 TE để giúp lá xanh thân cứng cáp, có thể pha loãng với nước tưới cho cây với liều lượng 1 muỗng cà phê nhỏ phân pha 2 lít nước hay bón trực tiếp xung quanh gốc, bón định kỳ 1 lần/tháng. Khi cây sả có nhiều nhánh mới (khoảng sau 3 tháng) thì cho thêm đất vào gốc và tăng liều lượng phân bón lên gấp đôi. Chúng ta có thể tỉa các nhánh sả to để ăn, chế biến hoặc lấy lá để nấu nước gội đầu, nước xông.
Phòng bệnh cho cây sả
Vào mùa mưa cây sả thường có hiện tượng thiếu sắt. Hiện tượng biểu hiện là lá thường chuyển màu vàng hay trắng ở phần thịt lá. ban đầu xuất hiện ở các lá non, sau đó đến lá già.
Thu hoạch cây sả
Trồng cây sả chỉ sau 3 đến 4 tháng đã có thể tỉa các nhánh to để ăn hoặc lấy lá để nấu nước gội đầu, nước xông. Chú ý sau khi đã cắt tỉa các nhánh sả cần vun gốc kết hợp bón thêm phân chuồng cây sẽ tiếp tục phát triển.